75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài
Thị trường khoa học công nghệ và thiết bị Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp…
Thực tế này được Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin tại Hội nghị về phát triển thị trường khoa học và công nghệ vừa qua. Nhìn chung thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa khoa học công nghệ trong nước còn hạn chế.
Nguồn cung cho thị trường khoa học công nghệ hình thành từ các hoạt động động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như thông qua hoạt động nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo thống kê từ các sàn giao công nghệ và thiết bị đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng nguồn cung công nghệ được thu thập và phổ biến hiện nay khoảng 77.000 bản ghi.
Tuy vậy, chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hoá khoa học công nghệ.
Theo các số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 1,5 lần so với năm 2016.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó, công nghệ và thiết bị từ những nước có trình độ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu,… có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua.
Về nguồn cầu công nghệ của thị trường chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận có sự tăng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 1,5 lần so với năm 2016.
Bộ Khoa học và công nghệ nhận xét, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp. Nguồn cung công nghệ trong nước còn chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được. Phần lớn các kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao, nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp còn thấp…
Ngoài ra, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ của tổ chức trung gian còn yếu. Thiếu các tổ chức trung gian có vai trò là đầu mối hệ thống, quy mô vùng và quốc gia nhằm cung cấp các dịch vụ có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Trong đó, hoàn thiện thị trường khoa học và công nghệ là giải pháp trọng tâm, lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để phát triển thị trường khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất triển khai nhiều giải pháp quan trọng trong đó có việc hình thành và vận hành 3 sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại 3 miền của đất nước; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ của các địa phương và các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và thế giới.
Đây là tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, nhằm kết nối cung- cầu; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xúc tiến giao dịch sản phẩm khoa học và công nghệ.
Đồng thời khuyến khích các tổ chức trung gian thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường khoa học công nghệ. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường khoa học công nghệ. Đầu tư phát triển và ứng dụng các công cụ phân tích, thống kê, xử lý dữ liệu giao dịch công nghệ, quản trị và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, số hoá và tích hợp dữ liệu…
Hiện tại, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường này, trong đó có các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; nhiều trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Cùng với việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đề xuất hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển. Hỗ trợ nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng…
Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nhấn mạnh việc đầu tư, phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng, chuyên ngành có vai trò đầu mối mạng lưới, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới thị trường khoa học và công nghệ.