Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 40 sự cố tấn công mạng vào hệ thống thông tin
Trung bình mỗi ngày có tới 44,7 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chỉ tính từ giai đoạn đầu năm 2022, các cuộc tấn công cũng đã tăng lên từ 35 – 36%.
Sáng 8/9, Hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo công nghệ thông tin và An toàn thông tin đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp cùng công ty An ninh mạng Viettel và Tập đoàn IEC đồng tổ chức. Hội nghị hướng tới mục đích tạo lập diễn đàn cho các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) và an toàn thông tin (ATTT), các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ về các xu hướng và chiến lược về an ninh mạng cũng như cung cấp các giải pháp tối ưu về đầu tư an toàn an ninh mạng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cho rằng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, doanh nghiệp số đang diễn ra mạnh mẽ là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện.
Theo báo cáo từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), chỉ trong nửa đầu năm 2022, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có tới 44,7 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chỉ tính từ giai đoạn đầu năm 2022, các cuộc tấn công cũng đã tăng lên từ 35 – 36%.
Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng và những khó khăn trong việc thích nghi với bối cảnh chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, thống kê trên thế giới có tới 900 cuộc tấn công mạng, 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây, phát hiện 40 điểm yếu lỗ hổng mỗi ngày. Thiết bị di động hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi, trên diện rộng. An toàn thông tin chuỗi cung ứng, tấn công có chủ đích, mã độc tống tiến và nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp sẽ gia tăng…
Xu hướng chuyển dữ liệu và ứng dụng sang sử dụng nền tảng đám mây đã rõ ràng. Theo dự báo của ResearchAndMarkets, thị trường điện toán đám mây toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 371,4 tỷ USD năm 2020 lên 832,1 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với đó, số vụ tấn công DDoS được dự đoán tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ trong năm 2023. Trung bình, mỗi giờ ngừng truy cập Internet các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng từ 300.000 USD tới 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDoS ngắn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Một báo cáo khác được chia sẻ tại hội nghị cho thấy, có tới 81% các nhà lãnh đạo trên toàn cầu đánh giá đại dịch COVID-19 đã buộc doanh nghiệp phải bỏ qua các quy trình an toàn bảo mật cần thiết. Theo các chuyên gia, điều này là vô cùng đáng báo động bởi số lượng và quy mô của các cuộc tấn công mạng vẫn đang diễn ra ngày một phức tạp.
Trước thực trạng kể trên, các lãnh đạo phụ trách CNTT tại các tổ chức, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận về những chiến lược, giải pháp của doanh nghiệp/tổ chức nhằm ứng phó với những mối đe dọa từ tội phạm mạng. Vấn đề về việc để lọt các lỗ hổng, điểm yếu tồn tại trong hệ thống CNTT sẵn có cũng là điều được lưu tâm, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng tinh vi và bài bản hơn.
Trong khuôn khổ sự kiện, công ty An ninh mạng Viettel cũng đã chính thức ra mắt nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới – SOC Platform. Nền tảng ra đời nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt giải quyết triệt để những khó khăn trong công tác vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống CNTT sẵn có.