Du ngoạn Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tây Ninh
Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây có nhiều loài động, thực vật quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Nếu có dịp du ngoạn khu vườn trải rộng 30.000 ha này, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị.
Bên cạnh những cánh rừng già nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát còn có những khu rừng khộp đặc trưng của vùng cao nguyên miền Trung. Có các loài cây có tên trong sách Đỏ như gỗ cà te, giáng hương, mạc nưa…; rồi cây dầu đồng, thuỷ nữ hoa đỏ, nắp ấm. Trong rừng, có 2 cá thể vên vên và dầu rái cổ thụ, năm 2016 được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản.
Có dịp du ngoạn Vườn quốc gia bằng phương tiện xe gắn máy, đi bộ hoặc đi thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông, du khách sẽ được các nhân viên của Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng hướng dẫn tham quan nhiều địa điểm hấp dẫn như trảng Tà Nốt, trảng Miên Thui, trảng nhân trần và được nghe kể những câu chuyện thời chiến tranh khói lửa, tận mắt nhìn thấy nhiều cây thuốc quý và những trảng cỏ đầy hoa. Nếu không ngại mạo hiểm, du khách sẽ được luồn rừng đến dòng Đa Ha hoang sơ, rì rào chảy giữa rừng sâu. Con suối bắt nguồn từ Campuchia, chảy cắt ngang giữa rừng và đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.
Hai bên bờ suối, nhiều tầng cây che phủ. Có loài mật cật lá xoè rộng, đong đưa như múa. Có loài thân leo xoắn xít như những con rắn nằm vắt vẻo. Cao hơn là những cây dầu mít, vên vên hàng trăm năm tuổi, sừng sững, hiên ngang như trụ cột của rừng. Khi những tia nắng ban mai chiếu xuống, dòng suối Đa Ha đẹp không thể tưởng. Dưới suối Đa Ha có nhiều tảng đá khổng lồ, đen sẫm, khiến dòng suối có lúc nước đang chảy lững lờ, êm dịu bỗng trở nên mạnh mẽ khác thường.
Lang thang xuyên rừng, du khách còn được ngắm nhìn những trảng cỏ nở đầy hoa đẹp, những cánh rừng sim bạt ngàn sắc tím, đặc biệt được tận tay sờ vào cây nắp ấm Thorel. Đây là loài cây được Viện Sinh học nhiệt đới và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Anh phát hiện trong chuyến khảo sát giữa năm 2011. Loài cây này được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên khoảng năm 1861-1869 ở tỉnh Bình Dương và đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài cây. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại nắp ấm Thorel ở tình trạng cực kỳ nguy cấp.
Hệ động vật của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát không kém phần phong phú. Hiện nay, trong vườn có 58 loài bò sát, 23 loài ếch, 88 loài cá sông Mêkong, 128 loài côn trùng, 42 loài lớp lông thú. Trong đó, một số loài quý hiếm như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, gấu ngựa, sói đỏ, sói vàng, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài. Riêng lớp chim ở Vườn quốc gia rất phong phú với 203 loài như giang sen, già đẫy Java, cò nhạn, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám.
Bên cạnh đó, ở Vườn mới phát hiện loài hạc cổ trắng, vẹt má vàng, gầm ghì lưng xanh. Vào mùa mưa, những trảng cỏ ngập nước với nhiều loài thực vật, động vật sinh sôi nảy nở trở thành trạm dừng chân của nhiều loài chim di cư. Trong đó, thường xuyên có những loài cò nhạn, sếu đầu đỏ, già đẫy Java ghé vào đây tìm kiếm thức ăn, trú ngụ một thời gian.
Hiện nay, Vườn quốc gia có phòng trưng bày nhiều mẫu động, thực vật như rồng đất, cá hô, rắn hổ mang chúa, mèo rừng, chồn đèn, cheo và bộ sưu tập các loài bướm, chuồn chuồn, các loài gỗ v.v… Ngoài ra, còn có khu cứu hộ động vật hoang dã, hiện đang cứu hộ, nuôi dưỡng hơn 13 loại động vật với hàng trăm cá thể. Có một số loài được nuôi sinh sản thành công và đang sinh trưởng tốt, như rái cá, vượn đen má vàng, khỉ đuôi lợn, chim ó, gà lôi hông tía, rùa vàng, trăn gấm, cá sấu, thỏ rừng, gà rừng, mèo rừng.
Đa số động vật này do các nhân viên bảo vệ rừng tịch thu từ những người săn bắt trái phép động vật hoang dã trong Vườn quốc gia. Sau một thời gian nuôi dưỡng, cá thể nào khoẻ mạnh sẽ được thả về môi trường tự nhiên, cá thể nào không còn khả năng tìm kiếm thức ăn trong rừng, sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng đến hết đời.
Bên cạnh việc nuôi cứu hộ động vật hoang dã, thời gian qua, Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát còn nuôi thêm một số loại động vật khác, như chim công Ấn Độ, chim trĩ 7 màu, chim trĩ khoan cổ nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học và phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.
Sau một chuyến du ngoạn xuyên rừng Lò Gò – Xa Mát, du khách Phùng Tự Thiện đến từ tỉnh Đồng Tháp nói về vẻ đẹp của vườn: “Thực vật của rừng miền Đông Nam bộ này khác hoàn toàn với thảm thực vật của rừng ngập nước ở Đồng Tháp Mười. Ở đây có nhiều điểm rất độc đáo, chẳng hạn như những cây cổ thụ cao to, hay các loài địa lan rất đẹp. Ngoài ra, khí hậu và những món ăn đặc sản của Vườn quốc gia cũng tạo nên nét khác biệt so với các vùng miền trong nước”.
Nữ nhiếp ảnh Trần Thị Bá- thành viên Hội Nhiếp ảnh Tây Ninh không giấu được xúc cảm khi đến đây săn ảnh. Bà Bá chia sẻ: “Tôi đã 5 lần đến khu rừng này sáng tác ảnh. Mỗi lần đến đây, tôi đều phát hiện thêm những đặc điểm mới của rừng, như những cây cầu bắc qua dòng suối, hàng le rừng xanh mướt, vô số trảng cỏ có nhiều đàn chim bay rợp trời xanh. Tôi rất hãnh diện vì Tây Ninh có khu Vườn quốc gia phong phú như thế này”.
Đến với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát sẽ là những kỷ niệm khó quên. Du khách- nhất là các bạn trẻ, có lẽ nên có ít nhất một lần trải nghiệm để cảm nhận được sự hấp dẫn của rừng và làm phong phú thêm kiến thức của mình.