Tuyến cáp quang biển quốc tế APG sẽ sửa chữa từ ngày 27-31/10
Theo một nhà cung cấp dịch vụ trong nước, tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) sẽ bắt đầu được sửa chữa từ 16h ngày 27-10, đến 10h ngày 31-10-2022.
Trước đó, APG đã xảy ra sự cố lúc 8h30 ngày 10-9-2022 và ban quản lý tuyến APG đã hoàn thành việc sửa chữa vị trí bị sự cố tại nhánh S1.7. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, lại phát hiện thêm sự cố lỗi cáp phân đoạn S9 hướng vào Singapore, nên từ hôm nay, ban quản lý tiến hành khắc phục sự cố để khôi phục 100% dung lượng trên tuyến.
Cùng với APG đang gặp sự cố phải sửa chữa, 1 tuyến cáp quang biển quốc tế khác là AAG (Asia America Gateway) vốn bị sự cố trên nhánh S1H từ cuối tháng 6-2022, được hoàn thành sửa chữa vào 23h ngày 7-9-2022; nhưng AAG lại xuất hiện lỗi mới trên nhánh S1I và theo thông báo của ban quản lý tuyến AAG, kế hoạch sửa chữa nhánh S1I sẽ thực hiện từ ngày 24 đến 29-11-2022.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG và AAG có các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đầu tư khai thác gồm VNPT, Viettel, FPT, CMC. Ngoài cáp quang biển quốc tế, các nhà mạng trong nước còn đầu tư các tuyến cáp trên đất liền, vệ tinh kết nối đi quốc tế. Tuy nhiên, các tuyến cáp quang biển có vai trò quan trọng, nên khi xảy ra sự cố, ít nhiều gây ảnh hưởng đến người dùng trong nước.
Để bảo đảm kết nối internet đi quốc tế, các nhà mạng trong nước đã đầu tư 7 tuyến cáp quang biển. Hiện, chỉ có 5 tuyến đang hoạt động (AAG, SMW3, IA, APG, AAE-1), 2 tuyến còn lại (SJC2, ADC) dự kiến khai thác trong giai đoạn 2022-2023. Với việc 2 tuyến APG, AAG gặp sự cố và đang trong quá trình sửa chữa, thì thực tế kết nối internet đi quốc tế bảo đảm 100% dung lượng trên 3 tuyến AAE-1, SMW3 và IA.
Trước đó, thông tin về thực trạng kết nối cáp quang biển đi quốc tế, đại diện các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cho biết, trong số 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang hoạt động, thì tuyến SMW3 vận hành từ năm 1999, dung lượng ít và chuẩn bị thanh lý; tuyến AAG, IA vận hành từ năm 2009, có công nghệ cũ…
Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng cho biết, để bảo đảm đủ dung lượng kết nối internet quốc tế, trong nước phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, các nhà mạng phải tiếp tục đầu tư hạ tầng cáp quang biển, chú trọng đầu tư các tuyến cáp biển mới có quy mô lớn và công nghệ tiên tiến.