Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, từ khi mở lại hoạt động du lịch, tháng 3/2022, ngành du lịch Việt Nam hoạt động nhộn nhịp, từng bước phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Đây cũng là kết quả của của cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng chung sức phục hồi phát triển ngành du lịch phát triển ổn định, bền vững.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại TP Hồ Chí Minh – Vĩnh Long năm 2022.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch cả nước đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và 91,8 triệu lượt khách nội địa, cao hơn số khách trong cả năm 2019. Tổng nguồn thu từ khách du lịch đạt 425 nghìn tỷ đồng.
Theo Tổng cục du lịch thì lượng khách du lịch nội địa đạt kết quả như vậy là thành công, tuy nhiên, với khách quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới là phát triển sản phẩm, làm mới các sản phẩm hiện có, phù hợp với xu hướng của thị trường; tập trung nguồn lực vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm; xây dựng liên kết, phát triển du lịch giữa các địa phương trong cụm, vùng và giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, đối tác; chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ trong phát triển du lịch …
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 16/11, ông Hà Văn Siêu cho rằng, để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, các địa phương cần quan tâm triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy, phát triển du lịch, khai thác, trao đổi du lịch giữa các địa phương.
Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt nhằm tạo sức hút và mạng lại nhiều ấn tương đối với khách du lịch.
Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cần xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch một cách chuyên nghiệp, tăng cường năng lực xúc tiến quảng bá, phát huy liên kết, phát triển du lịch trong công tác truyền thông. Phối hợp Tổng cục Du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và của địa phương hướng tới các thị trường khách quốc tế.
Tăng cường liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong các dự án đầu tư du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm du lịch cũng như xúc tiến quảng bá du lịch.
Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực thật tốt cho ngành du lịch, nâng cao chất lượng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Các hiệp hội, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, qua đó, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, khám phá của khách du lịch trong nước và quốc tế.