4 YẾU TỐ QUAN TRỌNG BẠN CẦN BIẾT KHI MUA KIM CƯƠNG
Tiêu chuẩn 4C là yếu tố quan trọng khi nhắc đến kim cương, bao gồm: Carat (Khối lượng), Cut (Kiểu cắt), Color (Màu sắc), và Clarity (Độ sạch). Cùng An Thư lý giải những thông tin thú vị về 4 tiêu chuẩn quan trọng này.
Tại Kim cương An Thư, mỗi sản phẩm đến tay khách hàng sẽ đảm bảo yếu tố đẹp mắt và chất lượng. Tùy thuộc vào tài chính, bạn có thể cân nhắc lựa chọn những sản phẩm vừa có mức giá vừa “hầu bao” nhưng vẫn ưng ý nhất.
Và để làm được điều đó, Kim cương An Thư sẽ cùng bạn liệt kê những tiêu chuẩn quan trọng “thay lời muốn nói” về giá trị tổng quát của một viên kim cương.
Trọng lượng của kim cương – CARAT
Carat là đơn vị đo lường khối lượng của viên kim cương, được xác định bằng cách cân viên kim cương trên một chiếc cân điện tử chính xác. Một carat tương đương với 0.2 gram.
Bạn có thể thấy số carat thường được giữ hai số thập phân cuối cùng. Ví dụ: một viên kim cương một nửa carat sẽ được biểu thị bằng 0,50 carat, một viên kim cương một carat sẽ được biểu thị bằng 1,00 carat.
Trọng lượng chính xác là yếu tố rất quan trọng để định giá, kim cương càng nặng, giá trị càng cao. Đáng chú ý, sự chênh lệch rất nhỏ về trọng lượng sẽ quyết định giá trị của một viên kim cương mà khi nhìn bằng mắt thường bạn sẽ không phân biệt được sự khác biệt này.
Giác cắt kim cương – CUT
Giác cắt hay còn gọi là vết cắt của viên kim cương trong tiêu chuẩn 4C thường bị nhầm lẫn với hình dạng thực sự của viên kim cương. Tuy nhiên giác cắt (CUT) trong tiêu chuẩn 4C của kim cương là một yếu tố được đánh giá bằng các tỷ lệ chứ không phải về hình dạng, liên quan đến cách thức cắt và xử lý một viên kim cương nhằm tạo ra hiệu ứng phản chiếu ánh sáng tốt nhất.
Trong vết cắt kim cương, tỷ lệ rất quan trọng đối với vẻ đẹp bên ngoài và giá trị tổng thể của viên kim cương, từng mặt trong số các mặt kiểm tra chi tiết và đo lường cụ thể để có góc, chiều dài và độ đối xứng thích hợp.
Màu sắc kim cương – COLOR
Ở Việt Nam, màu sắc kim cương hay được gọi tên là nước kim cương.
Cấp độ màu của kim cương được phân loại trên thang điểm bắt đầu từ D là cấp màu cao nhất. Lưu ý rằng màu kim cương trong hệ thống phân loại D đến Z không đề cập đến màu sắc mà là “độ trong” của màu sắc.
Trong đó, D, E và F đều được coi là các lớp kim cương không màu và chỉ có sự khác biệt nhỏ có thể xuất hiện và rất khó để phân biệt bằng cách thông thường. Tiếp theo là cấp độ gần như không màu bao gồm G, H, I và J, những lớp này thông thường sẽ vẫn có màu trắng khi quan sát bằng mắt thường.
Cấp độ K, L, và M, được coi là màu ám vàng nhạt nhẹ. Từ N đến R được coi là màu vàng nhạt nhẹ. Từ S đến Z đều sẽ thấy có màu vàng nhạt.
Tuy nhiên, nếu viên kim cương có màu vàng ngoài cấp độ Z trong tiêu chuẩn 4C, nó được coi là màu sắc quý hiếm và có giá trị đắt đỏ. Một viên kim cương có thể có nhiều màu sắc lạ mắt từ đỏ, hồng, xanh lam, xanh da trời, nâu, vàng, đen. Trong đó màu nâu là màu phổ biến nhất, sau đó là màu vàng.
Độ tinh khiết của kim cương – CLARITY
Độ sạch hay còn gọi là độ tinh khiết (clarity) của kim cương tự nhiên được đánh giá dựa trên lượng tạp chất bên trong và khiếm khuyết bên ngoài viên kim cương từ đốm trắng đục, hoặc bụi li ti nhỏ… có trong viên kim cương.
Các tạp chất hay tỳ vết được tạo thành trong quá trình hình thành kim cương tự nhiên. Để đánh giá độ tinh khiết hay độ trong của kim cương, người ta sử dụng các thiết bị kính loup (với độ phóng đại x10) hay kính phóng đại trong phòng lab.
Độ trong của kim cương được xác định qua bảng đánh giá tiêu chuẩn của GIA với độ chính xác cao được áp dụng trên toàn thế giới, thang phân loại độ sạch kim cương của Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) với 6 loại và 11 cấp độ tinh khiết với cấp độ đánh giá từ Flawless (không khuyết điểm) đến Included (có khuyết điểm).
Bốn chỉ số này cùng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chất lượng và giá trị của một viên kim cương. Bạn có thể tham khảo để lựa chọn trang sức kim cương phù hợp với tiêu chí và sở thích cá nhân.