Ý nghĩa Tết Trung thu với người Á Đông
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Mặt Trăng với nền văn minh Á Đông
Từ xa xưa, mặt Trăng luôn là một thực thể thiên văn hấp dẫn biết bao thế hệ. Khi bầu trời đêm buông xuống, mặt Trăng chiếu sáng nhân gian và là thực thể sáng nhất dưới góc nhìn từ Trái đất. Chính vì vậy, mặt Trăng luôn để lại nhiều xúc cảm với con người trong suốt lịch sử hàng nghìn năm.
Người Á Đông qua cách quan sát tỉ mỉ chu kỳ của mặt Trăng mà tính ra lịch và thời gian. Người vùng biển nhờ quan sát mặt Trăng mà tính ra quy luật của thủy triều để thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Vì thế, mặt Trăng chiếm một phần rất quan trọng đối với sự phát triển của loài người.
Nguồn gốc của Tết Trung thu ở Việt Nam
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (có niên đại khoảng 2500 năm). Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh, Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.
Học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) khi nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu đã chỉ ra rằng từ xa xưa, ngươi Á Đông đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang – trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng 8, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký”, “người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng 8 gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.
Tết Trung thu thời xưa
Theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm rằm tháng tám. Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiền và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Nhân dịp tết này người lớn thì uống rượu, thưởng trăng và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo, trái cây trong đêm trung thu này được gọi là “phá cỗ”.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trông quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng Tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tết trung thu mới là đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết Trẻ em hay Tết Nhi đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ, anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quát mắt là “ăn kẹo hư răng”.
Ý nghĩa của Tết trung thu
Ngày này còn có một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết hơn, của tình thân hữu, của đoàn tự và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.