Biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh bùng nổ
Theo nghiên cứu vừa công bố trên Nature Climate Change, có tới 58% dịch bệnh truyền nhiễm đã biết có nguy cơ bùng phát trong tương lai theo một ngàn cách khác nhau, mà nguyên nhân là cụm từ tưởng chừng không mấy liên quan: Biến đổi khí hậu.
Nhóm khoa học gia từ Mỹ đã phân tích dữ liệu và 375 mầm bệnh ở người, và nhận thấy các giai đoạn bùng phát trong lịch sử liên quan mật thiết đến các thảm họa khí hậu.
Nghiên cứu đã đối chiếu cụ thể lịch sử bệnh tật, các biến số đối với khí hậu trong quá khứ, hiện tại và những dự đoán tương lai, cảnh báo rằng có tới 277 căn bệnh đã biết mà con người cần đưa vào vòng theo dõi nghiêm ngặt để ngăn ngừa bùng phát trong tương lai.
Biến đổi khí hậu thật ra từ lâu đã được cảnh báo là nguyên nhân thúc đẩy các dịch bệnh. Các hiểm họa khí hậu biểu hiện bằng sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, sự thu hẹp môi trường sống tự nhiên đang khiến các loài sinh vật tiếp xúc gần với con người hơn, mà ví dụ quen thuộc chính là Zika, sốt rét, sốt xuất huyết, cúm và Ebola.
Biển đổi khí hậu còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều mầm bệnh, vốn rất ưa chuộng sự nóng lên toàn cầu. Hơn nữa, biến đổi lớn về môi trường chắc chắn gây biến đổi trong thế giới sinh vật, lịch sử tiến hóa đã cho thấy.
Hiện tại chúng ta vẫn đang đối mặt với các dịch bệnh “bùng nổ”: Covid-19, Đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn, sốt xuất huyết, bại liệt…