Cảnh giác với hình thức lừa đảo “khóa thuê bao điện thoại”
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo gia tăng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông) kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa thuê bao.
Qua công tác giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho biết, trong thời gian gần đây, hàng loạt người dùng điện thoại di động phản ánh liên tục nhận được cuộc gọi đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng xấu sẽ liên tục spam các cuộc gọi thoại thông báo tới số máy bản thân người dùng sẽ bị cắt dịch vụ sau một giờ nữa, để giải quyết thì liên hệ tới số điện thoại “tổng đài” do kẻ xấu cung cấp.
Khi gọi lại tới số “tổng đài” thì phía đầu dây bên kia yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như: Họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… để hỗ trợ kỹ thuật.
Sau khi nắm được thông tin cá nhân của nạn nhân, ngay lập tức đối tượng xấu hướng dẫn người dùng thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi…
Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Trước tình trạng các hình thức lừa đảo gia tăng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi đe dọa số điện thoại sẽ bị khóa thuê bao.
Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.
Bên cạnh đó, người dân cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.