Dưỡng phế tránh ho, khó thở khi trời vào thu
Bên cạnh các bệnh lý hô hấp kinh điển còn nhiều bệnh lý mới nổi liên quan đến đường hô hấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Mùa thu là thời điểm bùng phát bệnh đường hô hấp nên cần chú ý.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh, do đó, đây là thời điểm bùng phát nhiều bệnh đường hô hấp, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát gồm: Hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… sẽ có những đợt cấp rồi trở nặng khi gặp điều kiện thuận lợi.
Đặc biệt, mùa thu vạn vật thu lại, gió heo may bắt đầu thổi, khí khô táp vào người, sương rơi sớm, tối lại lạnh dễ tái phát ho hoặc hen suyễn có đờm…
GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cảnh báo, bên cạnh những bệnh lý hô hấp kinh điển như hen phế quản, COPD, viêm phổi kẽ… xuất hiện nhiều bệnh lý mới nổi chưa từng xuất hiện trước đây như Covid-19 và các bệnh phổi liên quan… kết hợp với tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, đã làm cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh, Đông y dựa vào quy luật của tác động thay đổi mùa đến cơ thể mà tổng kết ra được thuyết về mùa thu dễ tổn hại phế khí, nhắc nhở mọi người đến mùa thu cần chú ý thích ứng với sự thay đổi của thời tiết, bảo vệ tốt phế khí để tránh bị cảm, ho…
Để dưỡng phế, trước hết về mặt sinh hoạt, phải “ngủ sớm, dậy sớm”, áo quần phải tăng, giảm hợp lý, làm cho cơ thể thích ứng được với sự thay đổi chuyển dần vào mùa đông giá lạnh. Thứ đến về mặt ăn uống phải ăn nhiều thức ăn ôn hòa, bổ nhuận như phổi lợn, lê, đường phèn, bách hợp, ngó sen, gà non, vịt già, thịt nạc… Ít ăn các thứ cay nóng. Nên ăn nhiều củ cải, hạnh nhân, cháo ý dĩ… để thanh phế, giáng khí, hóa đờm.
Những người biết khí công, nên luyện một vài công pháp bổ dưỡng phế khí. Những người thể chất yếu nên lựa chọn cách bồi bổ bằng thuốc Đông y như hoàng kỳ, đẳng sâm, sa sâm, mạch đông, thục địa, đương quy…