Gian nan tìm lời giải cho bài toán công nghệ xử lý rác thải
Nhiều công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đã được áp dụng và đem lại hiệu quả cao tại các nước phát triển, tuy nhiên khó có thể đạt được hiệu quả tương tự tại Việt Nam.
Nhắc đến chất thải rắn, đa số đều liên tưởng tới vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, rác hữu cơ mới là nỗi lo hiện hữu ngay trước mắt. Chiếm 75% lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường, chất thải hữu cơ là nguyên nhân của những vấn đề như mùi hôi thối khó chịu, làm ô nhiễm đất, nước, không khí, đồng thời cũng là nguồn phát sinh và lây lan nhiều loại mầm bệnh và sinh vật có hại.
Thành phần chất thải hữu cơ lớn cũng khiến rác thải sinh hoạt có độ ẩm cao. Cụ thể, độ ẩm của rác sinh hoạt ở Việt Nam rơi vào khoảng 60 – 70%, tức là gấp hơn 3 lần so với độ ẩm trung bình tại các nước châu Âu.
Độ ẩm cao làm tăng tính phức tạp cho bài toán xử lý rác thải. Đó là lý do khiến sau hơn 20 năm hợp tác với nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu nhưng Công ty CP Halcom Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra công nghệ hữu hiệu nhất để xử lý rác thải tại Việt Nam.
Ông Võ Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Halcom Việt Nam, cho biết, công nghệ rác thải đạt chuẩn về hiệu quả phải đảm bảo yếu tố then chốt là xử lý dứt điểm chứ không được để ô nhiễm dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tại Việt Nam, giải pháp phổ biến đang được sử dụng là chôn lấp, rõ ràng chỉ làm “khuất mắt” nhưng không ngăn được ô nhiễm ngấm vào đất và nước.
Một giải pháp khác đang được phổ biến là ủ phân. Tuy nhiên, theo ông Dũng, phương pháp này cũng chưa phải là phù hợp bởi chưa xử lý được mùi khó chịu, chưa tối ưu được quá trình vận chuyển.
Đốt rác phát điện đang được nhiều địa phương lựa chọn áp dụng nhưng cũng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả. Rõ ràng đối với thực trạng rác thải có độ ẩm cao như tại Việt Nam, việc đốt rác phát điện đặt ra nhiều câu hỏi về tiêu chuẩn khí thải cũng như hiệu suất vận hành.
Công nghệ xử lý nhiệt plasma mới xuất hiện và đang được nhiều quốc gia chú ý. Công nghệ này có khả năng tiêu hủy triệt để lượng rác thải không được phân loại và có độ ẩm cao ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, chủ nhân bằng sáng chế về công nghệ plasma xử lý chất thải y tế, công nghệ này vẫn phải cân nhắc đến vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế và khả năng chuyển giao công nghệ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc phát triển dự án, Công ty Welle Việt Nam, bổ sung, giải pháp cho bài toán rác thải còn cần tính toán đến yếu tố về tài chính. Cụ thể, đối với các dự án xử lý phải xem xét đến khả năng ngân sách của địa phương.