Hà Nội ồn lực làm “Vành đai kết nối mọi vành đai”
TP Hà Nội đang cho thấy sự quyết tâm trong việc khai thực hiện dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, tuyến đường được xem là “Vành đai kết nối mọi vành đai”.
TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Đây sẽ là tuyến “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện: dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thuộc trách nhiệm của thành phố. Kế hoạch nêu rõ việc: Tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ 5 đoạn trên toàn tuyến thuộc địa phận thành phố trong tháng 9 này.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dài gần 113 km đi qua 3 tỉnh thành là: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng trên địa bàn Hà Nội, con đường này sẽ có trên 58 km đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Đến thời điểm này, Tp Hà Nội đã bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị và các quận huyện cắm mốc giới trên thực địa và triển khai giải phóng mặt bằng.
Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, TP Hà Nội đã cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng.
“Dự án được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 6 thì ngay tháng 7, TP Hà Nội đã lập ban chỉ đạo, đến tháng 9, Thành phố đã có quyết định uỷ quyền cho các Chủ tịch UBND các huyện có dự án đường Vành đai 4 đi qua trực tiếp được quyền phê duyệt các dự án, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quá trình triển khai dự án. Như vậy gần như các quận huyện được toàn quyền hành động trong giải phóng mặt bằng”, ông Cường thông tin.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Khi hoàn thành, 7 vành đai này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô.
Riêng vành đai 4 có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Bởi nó sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là “lối thoát” cho ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Vốn cho dự án là vấn đề quan trọng bậc nhất đảm bảo cho dự án không bị “lỗi hẹn”. Với dự án Vành đai 4, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 85.000 tỷ đồng. Theo ông Hoàng Văn Cường, đây là tổng mức đầu tư không hề nhỏ, tuy nhiên Hà Nội đã tính đến phương án huy động đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP.
“Với phương thức này 85.000 tỷ đồng không phải ngân sách bỏ ra hết. Ngân sách chỉ bỏ ra trong giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các hệ thống đường gom, đường kết nối giữa Vành đai 4 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Phần còn lại các nhà đầu tư sẽ bỏ ra sau này thu phí hoàn vốn”, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho biết.
Ngoài ra theo ông Cường, Hà Nội đã có quyết định kịp thời là huy động bổ sung khoảng hơn 2.000 tỷ đồng từ Quỹ phát triển đất chuyển vào đầu tư xây dựng cho dự án Vành đai 4.
Theo tính đoán sơ bộ, trung bình mỗi km trong dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô lên tới cả trăm tỷ đồng cùng với đó là phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí khoảng 21 năm. Do đó bên cạnh triển khai dự án, việc khai thác hiệu quả dự án cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm.
Về vấn đề này theo ông Hoàng Văn Cường, việc dự án thu hút được lượng giao thông nhiều hay ít phụ thuộc lớn vào cách thiết kế các điểm giao nút, điểm lên xuống, kết nối phù hợp có thuận lợi hay không?
Cũng theo ông Cường, dự án Vành đai 4 khi hình thành không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là yếu tố để mở rộng không gian phát triển đô thị của Vùng Thủ đô. Do vậy các nguồn lực đi kèm theo như phần đất đai xung quanh Vành đai 4 cần phải có quy hoạch, kế hoạch khai thác. Ông Cường đánh giá đây là nguồn lực rất lớn.
Từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 chiếc xe ô tô mới ra đường. Và tới thời điểm này, toàn thành phố có khoảng 750.000 ôtô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội. Đủ để thấy áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông Thủ đô ra sao.
Các tuyến đường này dù là nội bộ hay liên vùng đều có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tích cực, quyết định giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Sau Vành đai 4 thì Vành đai 5 cũng sẽ được hình thành, mạng lưới giao thông của Thủ đô sẽ trọn vẹn, sẽ trở thành động lực lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng là phải đảm bảo được tiến độ để không lỡ hẹn với những cơ hội rất mạnh mẽ ở phía trước.