Nguy hiểm nhiễm độc Aflatoxin
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), khí hậu nước ta nóng ẩm, mưa nhiều rất thuận lợi cho nấm mốc tấn công các loại hạt ngũ cốc như gạo, lạc, đỗ, ngô. Nấm mốc phát triển trên gạo, đỗ, lạc… không những gây biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng mà còn dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm độc Aflatoxin – chất cực độc đối với sức khỏe con người, gây ung thư.
Theo các chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học, nếu bảo quản kém, thực phẩm sẽ sinh ra các loại nấm như nấm xanh, nấm có mũ… đều chứa chất Aflatoxin.
Trong các loại lương thực như gạo, lạc, ngô… thì lạc chiếm tỷ lệ mốc và chứa chất độc Aflatoxin cao nhất. Một lượng lớn lạc được tiêu thụ và tích trữ hằng ngày ở các quán ăn rất dễ bị nấm mốc, phổ biến là nấm Aspergillus Flavus tiết ra chất độc Aflatoxin. Nhiễm độc Aflatoxin rất nguy hiểm vì chỉ với liều lượng rất nhỏ, 1kg thức ăn chỉ cần nhiễm 2mg cũng đã đủ làm hỏng gan.
Chỉ cần hấp thụ 2,5mg Aflatoxin trong 3 tháng là gan có thể bị ung thư. Aflatoxin là một độc tố bền vững với nhiệt độ cao. Rang lạc, ngô bị mốc ở nhiệt độ rất cao nhưng độc tố Aflatoxin vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.
Để bảo quản gạo, lạc, đỗ… tránh bị nấm mốc, các chuyên gia lưu ý người dân, đối với gạo, tránh đổ vào trong bao rồi để ở góc kín trong nhà, bởi đây là nơi ẩm thấp, dễ khiến nấm mốc sản sinh.
Tốt nhất, nên cho gạo vào thùng có nắp đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát. Đối với lạc, đỗ, nên cho vào hộp, đậy nắp kín hoặc cho vào trong túi ni lông rồi buộc miệng túi kín không cho không khí lọt vào bên trong và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Khi thấy gạo, lạc, đỗ… bị mốc, người dân tuyệt đối không sử dụng.