Quảng Ngãi ưu tiên nguồn lực để phát triển các khu đô thị
Tỉnh Quảng Ngãi đang huy động nguồn lực từ ngân sách và thu hút doanh nghiệp để đầu tư các khu đô thị thông minh, chất lượng cao, tránh phát triển đô thị theo hướng thiếu bền vững, tự phát.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đang quyết tâm xây dựng TP. Quảng Ngãi trở thành một đô thị “hạt nhân” văn minh, hiện đại, phát triển hài hòa và bền vững, dựa trên các ngành thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo chất lượng cao.
Trong tương lai, TP. Quảng Ngãi phát triển chủ yếu ba khu vực chức năng chính, gồm: trung tâm đô thị lịch sử TP. Quảng Ngãi; đô thị mật độ thấp; đô thị biển Quảng Ngãi.
TP. Quảng Ngãi và dải ven biển là không gian tích hợp, kết nối. Khu vực này có sản xuất nông nghiệp đa dạng, từ rau màu, cây trái, thủy sản, lúa, với các trung tâm đô thị, giáo dục đào tạo, kết nối với các trung tâm công nghiệp phía Bắc, khu không gian đô thị biển, xa hơn nữa là sân bay Chu Lai và các cảng quan trọng trong khu vực. Đô thị biển Quảng Ngãi bao gồm khu vực biển phía Bắc và phía Nam sông Trà Khúc được định hướng là trung tâm du lịch hướng biển của TP. Quảng Ngãi.
TP. Quảng Ngãi đóng vai trò là “trái tim” kinh tế của tỉnh. Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ có mặt biển trải dài từ Quảng Ngãi, Bình Châu, Sa Kỳ, Mỹ Khê dọc theo tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh, hình thành một vùng dân cư có quy mô khoảng 450.000 dân, sẽ thúc đẩy phát triển các hạ tầng kinh tế du lịch, kinh tế đêm, dịch vụ trên sông Trà Khúc từ cửa biển đến trung tâm thành phố. Từ đó, hình thành các điểm, bến du lịch dịch vụ 2 bên bờ sông Trà Khúc.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, hiện nay, tỉnh đang ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lị, trung tâm huyện lị và các đô thị động lực gắn với trọng điểm kinh tế quan trọng của tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ nâng cấp kết cấu hạ tầng, nâng cấp TP. Quảng Ngãi đạt một số tiêu chí đô thị loại I, gắn với phát triển không gian đô thị cấp vùng; nâng cấp hạ tầng của các đô thị hiện hữu như Bình Sơn, Đức Phổ.
Đặc biệt, các đô thị loại IV sẽ đạt tiêu chí đô thị loại III, hướng đến phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến hình thành các đô thị đặc trưng khu vực miền Trung, đô thị biển đảo… Phấn đấu đến năm 2050, tỉnh có khoảng trên 20 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP. Quảng Ngãi), 2 đô thị loại III, khoảng 15 đô thị loại IV và các đô thị loại V, tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, TP. Quảng Ngãi còn liên kết không gian các hoạt động kinh tế – xã hội qua các hành lang kinh tế, dựa trên những tiềm năng liên kết vùng, liên kết nội tỉnh và trên các phân vùng không gian phát triển kinh tế – xã hội.
Nhóm nghiên cứu về Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đề xuất tạo lập 4 hành lang kinh tế, gồm Hành lang kinh tế Bắc – Nam (Dung Quất – TP. Quảng Ngãi – Sa Huỳnh); Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) – Sơn Hà – Sơn Tây – Trà Bồng (đây là hành lang liên kết nội tỉnh, dọc theo Tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ); Hành lang Lý Sơn – Dung Quất – Trà Bồng – Trà My dọc Quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam); Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh – Ba Tơ – Bờ Y – Ngọc Hồi (đây là hành lang Đông – Tây phía Nam của tỉnh).
Trong đó, Hành lang Bắc – Nam có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trục kinh tế Dung Quất – TP. Quảng Ngãi – Tư Nghĩa – Mộ Đức – thị xã Đức Phổ và kết nối liên vùng Dung Quất – Chu Lai, kết nối sân bay Chu Lai theo tuyến Quốc lộ 1A với chức năng liên kết các trung tâm kinh tế đô thị và dịch vụ hành chính, gắn kết các huyện đồng bằng ven biển; tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và nông nghiệp.
Ngoài ra, đây sẽ là trục dịch vụ du lịch ven biển kết nối các điểm dịch vụ du lịch biển Bình Châu – Sa Kỳ – Tịnh Kỳ – Mỹ Khê – Mỹ Á – Sa Huỳnh – Châu Me, tạo mối liên kết kinh tế biển của khu vực và cả nước; tập trung phát triển các ngành đánh bắt, nuôi trồng hải sản, giao thông biển và du lịch biển kết hợp xây dựng tuyến phòng thủ biển bảo đảm an ninh – quốc phòng và an ninh tuyến biển.
Để hiện thực hóa các hành lang kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng và từng bước hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ, như hoàn chỉnh các tuyến đường QL24B, đường tỉnh trên địa bàn, các tuyến đường liên huyện (đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, Bích Khê – Hồ Quý Ly, Bình Châu – Bình Phú, đường vào cảng Sa Kỳ, đường kết nối Tịnh Kỳ – Bình Châu, đường Dung Quất – Sa Huỳnh, đường cầu Trà Khúc…).
Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, việc phát triển hệ thống đô thị ở Quảng Ngãi là phù hợp với phương án phát triển không gian kinh tế – xã hội, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, có tính chất, chức năng, bản sắc, để các đô thị trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng.
“Định hướng của tỉnh là phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, lộ trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ngãi trong mỗi giai đoạn sẽ được định hướng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với những thay đổi trong tổ chức không gian vùng lãnh thổ trên địa bàn tỉnh”, bà Ái chia sẻ.
Theo bà Ái, ngoài 4 hành lang kinh tế chính ở trên, hệ thống đô thị của Quảng Ngãi được phát triển dựa trên 6 không gian phân vùng phát triển kinh tế – xã hội và 5 vùng liên huyện, trên cơ sở phát huy lợi thế giao thông của các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến cao tốc, đường sắt… đi qua địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
“Chuỗi đô thị dọc theo tuyến Quốc lộ 1A và đường ven biển là trung tâm phát triển các hoạt động kinh tế của tỉnh gắn với 3 trung tâm đô thị động lực phát triển ở phía Đông; ở phía Tây Bắc, các đô thị Trà Phong, Trà Xuân phát triển gắn kết với cụm Khu kinh tế Dung Quất và thương mại dịch vụ tại Bình Sơn với các hành lang Quốc lộ 24C, Cao tốc 22 (Quy hoạch); ở phía Tây và Tây Nam, các đô thị phát triển theo hành lang kinh tế rừng xanh, kinh tế nông nghiệp bền vững với mô hình của đô thị miền núi”, bà Ái nói và cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 50%.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai đồng bộ quy hoạch chung xây dựng TP. Quảng Ngãi và Quy hoạch chung điều chỉnh Khu kinh tế Dung Quất, bao gồm khu đô thị phía Bắc (thuộc Khu kinh tế Dung Quất), đô thị Châu Ổ, đô thị Vạn Tường, đô thị Tịnh Phong và đảo Lý Sơn.
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và các khu chức năng để phát triển các khu đô thị động lực, trong đó có những trục giao thông kết nối từ các khu đô thị động lực ra vùng phụ cận, các công trình cấp nước, xử lý nước thải và chất thải tập trung, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho các khu đô thị.
Ngoài ra, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị, đặc biệt là các khu cụm công nghiệp theo hướng bền vững, an toàn… Mặt khác, Quảng Ngãi sẽ phát triển đồng bộ khu vực sản xuất, khu nhà ở, các công trình công cộng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ, tiện ích khép kín, tạo nên hệ sinh thái bền vững, đẩy mạnh tiềm năng phát triển lâu dài của các khu vực động lực.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ, quản lý đô thị, huy động nguồn lực từ ngân sách và thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh, khu đô thị chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh quá trình đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và du lịch đô thị tại các khu đô thị động lực; khai thác quỹ đất đô thị hiệu quả, đảm bảo nguồn lực và nguồn vốn đầu tư, tránh phát triển đô thị thiếu bền vững, tự phát.