Robot có thể giả làm người như thật?
Các nhà nghiên cứu ở Italy cho biết, nếu robot có những hành xử như người thì con người có thể nhầm tưởng là đang tương tác với người thật. Liệu chúng ta có thể phân biệt được giữa robot và người thật?
Các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, chúng ta có thể nhận ra hành vi của con người nhưng liệu máy móc có bắt chước được y hệt những hành vi này? Nhóm các nhà nghiên cứu Italy đã tạo nên một thử nghiệm để chứng tỏ máy móc cũng có trí tuệ như con người.
Giáo sư Agnieszka Wykowska từ Viện Công nghệ Italy cho hay: “Câu hỏi đặt ra là cái gì làm nên con người? Hành vi gì khiến chúng ta được những người khác coi là con người? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể gắn hành vi con người vào máy móc rồi xem xem những người khác có coi cỗ máy ấy giống người không hay vẫn coi nó là máy”.
Cuộc thử nghiệm của các nhà nghiên cứu ở Viện công nghệ Italy bao gồm những người tình nguyện ngồi cạnh một robot. Khi hộp màu xanh xuất hiện trên màn hình thì người tình nguyện sẽ bấm nút, còn khi hộp màu đỏ xuất hiện trên màn hình thì robot sẽ bấm nút. Người tình nguyện không được cho biết là robot được lập trình trước hay được một người điều khiển từ xa để thực hiện hành vi bấm nút khi phát hiện hộp màu đỏ.
Cuộc thử nghiệm cho thấy, khi robot có hành vi giống người như dành những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau trước khi bấm nút thì người tham gia thử nghiệm không thể phân biệt được là mình đang tương tác với người thật hay với một cỗ máy.
Nghiên cứu của Viện công nghệ Italy đã được công bố trên Tạp chí robot khoa học, là bước đi đầu tiên để biết được rằng, những hành động nào mà các robot làm công việc tương tác với con người cần có, ví dụ như trong lĩnh vực y tế hay sản xuất.
“Điều đó quan trọng bởi vì nó cần cho sự hòa hợp của con người với máy móc. Nếu chúng ta thiết kế robot có những hành vi rất tinh tế giống con người thì sẽ khiến chúng ta tương tác với robot tốt hơn, suôn sẻ hơn, phối hợp hành động với robot tốt hơn” – Giáo sư Agnieszka Wykowska nhận định.
Nhóm các nhà khoa học ở Viện công nghệ Italy còn chứng minh được rằng, cảm giác khó chịu khi giao tiếp bằng mắt với robot là có thật. Vì thế, ánh mắt của robot có thể được thiết kế để khiến chúng ta tưởng rằng, mình đang giao tiếp với một con người và tác động đến khả năng đưa ra quyết định của chúng ta.