Vừa phá sản, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã phải gánh nợ hơn 3 tỷ USD
Sau khi phá sản, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3,1 tỷ USD, theo tài liệu gửi lên tòa án Mỹ.
Theo tài liệu trên, số nợ của 10 chủ nợ lớn nhất là 1,45 tỷ USD. Tuy nhiên, tài liệu không nêu rõ chủ nợ đó là những bên nào.
Sự sụp đổ của FTX đã làm rung chuyển ngành công nghiệp tiền điện tử và làm “bay hơi” khối tài sản trên giấy tờ trị giá hơn 15 tỷ USD của nhà sáng lập sàn giao dịch này – Sam Bankman-Fried, chỉ trong vài ngày.
FTX và ít nhất 101 công ty liên kết đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại bang Delaware (Mỹ) hôm 11/11. Ước tính, có khoảng 1 triệu khách hàng và nhà đầu tư phải hứng chịu thiệt hại, nhưng hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại cụ thể do hồ sơ lưu trữ kém.
Hiện vụ việc đã được các chuyên gia giải quyết phá sản tiếp quản. FTX cho biết đã tiến hành rà soát chiến lược tài sản toàn cầu của công ty này và đang chuẩn bị bán, tái tổ chức một số doanh nghiệp, với sự trợ giúp của ngân hàng đầu tư Perella Weinberg Partners. Dự kiến, công ty này bắt đầu hầu tòa vào sáng 22/11 (giờ Mỹ).
Hôm 20/11, FTX cảnh báo số tiền điện tử bị đánh cắp trong những giai đoạn cuối cùng khi công ty vỡ nợ đang được chuyển tới các sàn giao dịch khác. Theo các nhà phân tích theo dõi hoạt động giao dịch, số tiền ảo được cho là bị đánh cắp trị giá 270 triệu USD. FTX kêu gọi các sàn giao dịch khác hỗ trợ hoàn lại số tài sản này cho tòa án.
Công ty đã chỉ định chuyên gia tái cấu trúc John Ray III làm Giám đốc điều hành, người từng giám sát vụ phá sản của Enron, một trong những vụ phá sản gây chấn động nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong tài liệu gửi lên tòa án Delaware, ông John Ray viết: “Trong sự nghiệp của tôi, chưa bao giờ tôi chứng kiến một sự thất bại hoàn toàn trong việc quản lý doanh nghiệp và sự thiếu hụt hoàn toàn thông tin tài chính đáng tin cậy như ở đây”.
Vụ sụp đổ của FTX đánh dấu vận may đảo ngược gây sửng sốt của một trong những “đế chế” lớn nhất trong ngành công nghiệp tiền ảo. Trong các vụ kiện liên quan đến FTX tại Mỹ, có thể có hơn 1 triệu chủ nợ. FTX cũng cho biết đang phải làm việc với hàng chục cơ quan chức năng tại Mỹ và ngoài Mỹ, bao gồm Bộ Tư pháp Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).
Nhà chức trách ở Bahamas, nơi FTX đặt trụ sở, cũng đang điều tra để làm sáng tỏ nghi vấn về tội hình sự liên quan đến sự sụp đổ của FTX. Bahamas đã giành quyền kiểm soát các tài sản tiền số của FTX Digital Markets, một công ty con của FTX, cho biết số tài sản này đã được chuyển vào một ví số do nhà chức trách quản lý để đảm bảo an toàn.
FTX là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới cho tới khi những quan ngại về khả năng thanh toán của FTX khiến lượng rút tiền tăng mạnh, qua đó bộc lộ việc FTX không sở hữu số tài sản thực trị giá hàng tỷ USD mà công ty này tuyên bố.
FTX nhận được sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư sừng sỏ, trong đó có quỹ vốn đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cũng như một loạt nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi bật khác.
Phát biểu trong ngày 21/11, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Jon Cunliffe cho biết vụ phá sản của FTX cho thấy cần phải đưa lĩnh vực tiền ảo vào khuôn khổ pháp lý.
Vụ phá sản của FTX đã khiến thị trường tiền ảo toàn cầu rúng động, hàng nghìn tiền ảo giảm giá mạnh. Trong vòng nửa tháng, đồng Bitcoin giảm gần 23%, từ mức hơn 21.000 USD vào đầu tháng này còn hơn 16.000 USD.
“Sự sụp đổ của FTX là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng chẳng có bữa trưa miễn phí nào dành cho những nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh trong một lĩnh vực còn tương đối mới và chưa được điều tiết”, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Jon Ulin, CEO công ty Ulin & Co. Wealth Management, nói với CNBC.
Ông Ulin khuyến cáo các nhà đầu tư rằng: “Chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng mất 100%, giống như khi đánh bạc ở Las Vegas và cân nhắc, nghi ngờ là những điều nên có khi đánh giá tài sản cũng như các sản phẩm liên quan được quảng cáo bởi các vận động viên, người nổi tiếng, và người có ảnh hưởng trên truyền thông”.
Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried (30 tuổi) đã mở FTX vào năm 2019 và đưa sàn này trở thành một trong những sàn tiền ảo lớn nhất thế giới. Bản thân anh này đã có thời điểm là chủ nhân của khối tài sản ròng lên tới gần 17 tỷ USD.
Hồi tháng 2, FTX được định giá ở mức 32 tỷ USD trong một vòng gọi vốn có sự tham gia của các nhà đầu tư sừng sỏ như SoftBank và BlackRock.
Mô hình kinh doanh có vấn đề của FTX chỉ bị phanh phui gần đây trong bối cảnh thị trường tiền ảo gặp khó khăn và thông qua những cuộc tranh luận công khai trên Twitter giữa Bankman-Fried với CEO Zhang Pengchao của Binance, sàn tiền ảo lớn nhất thế giới. Binance đã có ý định mua lại FTX nhưng sau đó “quay xe”, khiến FTX không còn lựa chọn nào khác là xin bảo hộ phá sản.